Rau cải cúc hay rau tần ô là một trong những loại rau được nhiều gia đình ưa chuộng bởi cải cúc không chỉ ngon mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết này để biết thêm về kỹ thuật trồng rau cải cúc tại nhà đơn giản để vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo hơn cho sức khỏe của gia đình bạn nhé!
Rau cải cúc và những lợi ích đối với sức khỏe
Nhắc đến các loại rau họ cải thì không thể nào bỏ qua rau cải cúc. Loại rau này vị đắng nhẹ, mùi thơm rất đặc trưng mà hiếm có loại rau cải khác có được. Thông thường, mọi người sẽ dùng cải cúc đế nấu canh, trộn salad hoặc cũng có thể dùng để nhúng với các loại lẩu ăn cũng rất bắt vị.
Bên cạnh là một loại rau thơm ngon, cải cúc còn có rất nhiều axit amin và các loại khoáng chất có lợi với sức khỏe. Nhờ đó hỗ trợ tiêu sưng, giảm phù nề, lợi tiểu và điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Không chỉ thế, cải cúc còn giúp giải cảm, an thần, ổn định cảm xúc cũng như tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch. Ngoài ra, với những chị em muốn làm đẹp và giảm béo thì cải cúc cũng là một lựa chọn lý tưởng, vì rau có chứa các thành phần giúp da tăng thêm sự đàn hồi và tái sinh nhiều tế bào da mới, từ đó da sẽ sáng và căng bóng hơn.
Thời điểm lý tưởng để trồng rau cải cúc
Cải cúc được trồng khá phổ biến ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Đây là loại rau khá dễ ăn, giá lại rẻ và cách trồng thì không hề phức tạp.
Đặc biệt, cây có thể thích nghi tốt với hầu hết các điều kiện thời tiết thế nên bạn có thể trồng cải cúc quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để trồng rau này là vào hai vụ đông xuân từ tháng 10 đến 11 và vụ xuân hè từ tháng 4 đến tháng 5.
Kỹ thuật trồng rau cải cúc tại nhà đơn giản
Chuẩn bị hạt giống trồng rau cải cúc
Để vườn rau cải cúc của bạn được tươi tốt và lớn nhanh thì khâu quan trọng đầu tiên chính là lựa chọn hạt giống. Bạn phải lựa thật kỹ những hạt giống có chất lượng cao cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên chọn những cơ sở phân phối giống cây trồng có uy tín trên thị trường để được tư vấn cụ thể hơn về từng loại giống.
Chuẩn bị đất trồng và các dụng cụ trồng cây
Cải cúc là loại cây dễ trồng, thế nên bạn có thể trồng ở những mảnh đất nhỏ trong vườn hoặc tận dụng các dụng cụ có sẵn trong nhà như khay, chậu, thùng xốp đều được. Cây sẽ sinh trưởng tốt nhất nếu được trồng trên loại đất pha cát có độ pH từ 5.5 đến 5.6.
Trường hợp không có sẵn đất trên thì hãy trộn đất trồng theo công thức là 5 phần đất nền : 3 phần trùn quế : 2 phần hỗn hợp từ trấu và xơ dừa. Còn trong trường hợp bạn sử dụng đất đã trồng trước đó thì phải dọn sạch cỏ dại, đồng thời xới đất cho tơi xốp rồi rải một ít vôi để diệt các mầm bệnh nấm mốc.
Ngoài những dụng cụ trên, bạn cũng cần chuẩn bị thêm bình tưới, xẻng nhỏ hoặc cào đất và các loại phân bón để hỗ trợ việc gieo hạt và chăm sóc cho cải cúc.
Gieo hạt
Bạn có thể trực tiếp gieo hạt trên mảnh đất hoặc những chậu cây đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên nếu như muốn rút ngắn thời gian nảy mầm của hạt giống và muốn hạt nảy mầm đều hơn thì bạn nên ngâm trong nước ấm trước.
Nhiệt độ phù hợp nhất của phần nước dùng để ngâm hạt giống là từ 30-40°C. Sau khi đã ngâm hạt từ 3 đến 6 tiếng, hãy vớt hạt giống ra, rửa sạch và để cho ráo nước.
Tiếp đến là bạn gieo hạt giống thành từng hàng bằng cách kẻ một đường sâu khoảng 1 cm, hoặc cũng có thể gieo tự do. Tuy nhiên phải chú ý gieo sao cho đều tay để cây có đủ không gian phát triển.
Sau khi hoàn thành việc này, bạn hãy phủ một lớp đất mỏng và một lớp trấu nữa lên trên. Dùng vòi phun sương để tưới nhẹ nhàng lên mặt đất để giữ độ ẩm.
Trong khoảng hai ngày đầu tiên sau gieo, bạn nên dùng bìa cứng hoặc rơm rạ để tránh mưa hoặc ánh sáng trực tiếp chiếu lên hạt giống, từ đó giúp hạt nảy mầm nhanh hơn. Khi cây đã nhú lên khỏi mặt đất được khoảng 1 cm thì lấy bỏ lớp che phủ này ra cho cây con tiếp tục phát triển.
Chăm sóc cải cúc sau khi gieo hạt
Đừng quên tưới nước nhẹ nhàng mỗi ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều tối sau khi đã gieo hạt. Đến khoảng một tuần sau, bạn tiến hành bón phân cho cây với các loại phân như phân gà, phân trùn quế, phân chuồng hoặc phân hữu cơ,… Và khoảng 15 ngày tiếp theo, bạn hãy bón thúc lần hai để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Đối với cây khi mới được gieo hạt thì đây là giai đoạn khá nhạy cảm ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy cần đảm bảo nhiệt độ cho cây một cách ổn định nhất bằng cách sử dụng các loại lưới che nắng để giảm thiểu các tia nắng xấu làm ảnh hưởng đến cây. Các loại lưới này bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại các công ty chuyên cung cấp lưới.
Phòng trừ sâu bệnh khi trồng rau cải cúc
Mặc dù cây cải cúc ít khi bị sâu bệnh, thế nhưng bạn vẫn nên phòng ngừa bằng các biện pháp truyền thống như làm cỏ, tỉa bỏ bớt những cây bệnh nhằm hạn chế các nguồn bệnh từ vụ trước. Trong trường hợp vườn rau của bạn xuất hiện các loại rầy rệp, sâu xanh, bọ xanh,… thì có thể dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học như Crymax, BrighTin pha loãng rồi phun lên rau từ 2 đến 3 đợt. Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn các tác nhân bên ngoài bằng cách sử dụng các vật liệu lưới chống côn trùng để ngăn ngừa tối đa các loại sâu bọ gây hại đến cây
Thu hoạch
Bạn có thể thu hoạch sau 30 đến 40 ngày gieo trồng tùy từng điều kiện và từng vùng miền. Nếu như bạn muốn ăn rau non thì cũng có thể thu hoạch sớm hơn sau khi gieo từ 20 đến 25 ngày.
Khi thu hoạch, bạn có thể nhổ cả cây lên, sau đó cắt bỏ phần gốc rễ và loại bỏ đi các lá già hoặc lá bị sâu bệnh. Cuối cùng đem đi rửa lại thật sạch là đã có thể chế biến món ăn rồi.
Còn gì ý nghĩa hơn khi những món ăn thơm ngon được nấu từ rau cải cúc do chính tay mình trồng. Hi vọng bạn sẽ áp dụng thành công những kỹ thuật trên và nhanh chóng sở hữu một vườn rau xanh mướt nhé!